Lý thuyết trò chơi là một kiến thức khoa học mà ít người Việt Nam biết đến. Tuy nhiên, đây lại là một lĩnh vực nghiên cứu hết sức có ích và vô cùng thực tế. Trong ngành Địa lý nhân văn, lý thuyết này được giới thiệu trong chương Địa lý kinh tế khu vực 2 (tức Địa lý về Công nghiệp) để giải thích lí do vì sao các đối thủ cạnh tranh thường đặt cạnh nhau: như nhà hàng thức ăn nhanh, cây xăng, shop quần áo…
Harold Hotelling (1895-1973), là nhà kinh tế học người Mỹ, đã đưa ra lý thuyết này và nó vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay.
Xem video tại đây: https://www.youtube.com/watch?v=CISlwDi87Dg
Nguồn: TEDvn
Trích từ 1 bài viết trên báo Dân Trí:
Những người mua xăng lười nhác và mô hình Hotelling
Có một ví dụ về mô hình hoạt động của thị trường đơn giản mà rất thú vị do nhà kinh tế học Hotelling đề xuất.
Trên một khu phố dài, có hai trạm bán xăng ở hai đầu, ta gọi là trạm xăng Trái và Phải. Và những người đi ô tô trong khu phố đều mua xăng theo nguyên tắc “lười nhác”, nghĩa là đi đến trạm bán xăng gần mình nhất. Như vậy lúc đầu lượng người mua xăng sẽ tương đối đồng đều cho hai trạm bán xăng. Nhưng nói chung những anh chàng chủ trạm xăng sẽ có xu hướng dịch trạm xăng của mình vào giữa khu phố.
Tại sao lại vậy? Rất dễ hiểu. Những chiếc xe đang hoạt động giữa hai trạm xăng sẽ chia đôi cơ hội cho cả hai trạm xăng này, phụ thuộc vào khoảng cách từ nó đến trạm xăng nào gần hơn.
Còn những chiếc xe ô tô không ở giữa hai trạm xăng đương nhiên sẽ chỉ có một lựa chọn duy nhất. Những chiếc xe nằm ở phía trái sẽ đến trạm xăng Trái, và những chiếc xe nằm ở phía phải sẽ đến trạm xăng Phải.
Và do cả hai anh chàng chủ trạm xăng đều muốn tối đa hóa cái khoảng của riêng mình, nên cuối cùng kết cục dẫn đến là cả hai trạm xăng sẽ chập vào một chỗ ở trung tâm khu phố – nơi sẽ phải cạnh tranh nhiều nhất và có lẽ cũng bất hợp lý nhất.
Hai anh chàng bán xăng cuối cùng sẽ đẩy cây xăng của mình chập vào một chỗ. (tương tự như 2 xe bán kem trên bãi biển – xem video)
Ví dụ trên của Hotelling được đưa ra như một mô hình cho thấy không phải lúc nào thị trường cũng vận hành theo cách hiệu quả nhất, như những nhà kinh tế học chính thống vẫn hằng tin tưởng.
One thought on “Tại sao đối thủ cạnh tranh đặt cửa hàng sát cạnh nhau”